Có một sức mạnh nào đó hối thúc tôi phải viết lên những dòng này. Đó là dòng cảm xúc cứ không ngừng phập phồng mà trực chờ được bùng nổ khi tôi đọc “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”. Cuốn sách được mệnh danh là “Hoàng tử bé” thứ hai của Việt Nam.
Tác phẩm như thể là một lời tự sự, một cuốn nhật kí nhỏ của cậu bé Dũng ngây thơ, trong sáng đã được cây bút tài ba Nguyễn Ngọc Thuần trình bày trong hình hài giấy trắng mực đen. Ông sinh năm 1972 ở Hàm Tâm, Bình Thuận và được đánh giá là một trong những nhà văn trẻ đầy triển vọng của thể loại văn xuôi đương đại, hiện ông đang là thành viên của Hội nhà văn Việt Nam. Nguyễn Ngọc Thuần tốt nghiệp đại học Mỹ thuật của thành phố Hồ Chí Minh, sau khi ra trường, ông tình nguyện làm cây bút cho báo Tuổi Trẻ.
Cuốn sách là cả một câu chuyện, chứa đựng cả một ký ức tuổi thơ êm đềm của cậu bé Dũng. Mỗi chương, mỗi câu chuyện là một thông điệp mà khi người lớn nhìn vào có thể rút ra một bài học cho riêng mình qua góc nhìn con trẻ. Mở đầu câu chuyện là những suy nghĩ của Dũng là một làng quê yên bình nơi cậu sinh ra, là bố mẹ yêu thương, là những người hàng xóm, là những người bạn… tất cả tạo nên những cung bậc cảm xúc trong mỗi câu văn.
Bài học đầu tiên mà chúng ta nhận được khi đọc “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”, đó là sự tự tin và lòng đồng cảm. Dũng có một chiếc răng khểnh. Các bạn thường trêu rằng nó như một chiếc bừa cào. Cậu cảm thấy nó thật đáng ghét, nhưng thế rồi, cậu cũng đã học được cách vượt qua nỗi tự ti, biến khuyết điểm của mình trở thành điều đặc biệt – “Nó làm nụ cười của con khác với những đứa bạn. Đáng lý con phải tự hào vì điều đó. Mỗi đứa trẻ đều có điều kì lạ riêng. Có người có một đôi mắt rất kì lạ. Có người lại là một ngón tay. Con hãy quan sát đi rồi con sẽ thấy. Con sẽ biết rất nhiều điều bí mật rằng về những người xung quanh mình”.
Rồi từ đó, cậu đã có thể yêu những thứ không hoàn hảo, những thứ khác biệt. Cậu đã có thể hãnh diện khoe với chú Hùng, người đã mất một ngón tay vì mưa bom bão đạn rằng mình có những mười ngón tay. Cậu hỏi ông Tư ông có nhớ bàn tay và bàn chân không “Con biết ông nhớ lắm! – Ừ. Ông nhớ”. Cậu tình nguyện “cho” ông Tư cả bàn tay của mình sau khi nghe ông kể tại sao ông lại mất cả chân và tay trong một trận dội bom của quân địch. “… Làm sao ông lấy được? – Dễ lắm, thỉnh thoảng con sẽ chạy sang đây. Ông chỉ việc kêu lên: Bàn tay ơi lấy cho tui cái bánh! Thế là bàn tay sẽ chạy đến lấy cho ông ngay!”
Bài học tiếp theo tôi học được có lẽ là sự yêu thương. Người ta thường nói rằng chẳng ai có thể sống mà không yêu thương, mà không biết quan tâm chia sẻ. Có lẽ sự yêu thương đã luôn được ươm mầm và hình thành trong mỗi đứa trẻ. Dũng cũng không phải là ngoại lệ. Đối với cậu, những người mà cậu yêu thương là bố mẹ, bạn bè, cô giáo, hàng xóm,.. ta học cách yêu thương một ai đó, để rồi khi họ mất đi, ta cảm thấy thật trống trải. Cách mà cậu quan tâm đến cô Hồng khi cô mất đi một sinh linh còn chưa chào đời thật ấm áp và nhẹ nhàng biết mấy vì “Nỗi buồn chỉ vơi đi bằng tình thương chứ không có một phương thuốc nào hết”. Mở đầu là sự sống của bản thân, kết thúc là cái chết hụt của cậu bạn. Có lẽ tác giả muốn nhân vật trải qua cả ngọt, bùi, đắng, cay để nhắc nhở chúng ta về giá trị của mỗi người xung quanh hay chính là giá trị của tình yêu thương.
Liệu bạn có tự hỏi rằng, tại sao tác giả lại đặt tên cuốn sách là “Vừa nhắm mắt vừa mở sổ” không? Nhắm mắt là khi ta cảm nhận mọi thứ thật chân thật mà không bị vẻ ngoài lay chuyển. Ta có thể cảm nhận thế giới xung quanh bằng nhiều giác quan và khi đó ta mới có thể mở cửa sổ một cách không ngần ngại.
Mở cửa sổ là khi ta mở lòng để đón nhận tình thương và trao đi tình thương.
Theo tôi, đó cũng chính là thông điệp mà tác giả đã gửi gắm, là mỗi khi ta mệt mỏi bởi những bộn bề cuộc sống, hãy thử “vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” vì khi đó, cuộc sống sẽ thật nhẹ nhàng và đơn giản.
Trần Khánh Giang- học sinh lớp 7H2 niên khóa 2022-2023